Tiên lượng và giải pháp điều trị ung thư tuyến giáp
Thứ hai, 23/12/2024 | 10:46
Ung thư tuyến giáp ảnh hưởng đến tuyến giáp, có thể gây khối u ở cổ, khàn giọng hoặc mệt mỏi. Nguyên nhân có thể do di truyền, phóng xạ hoặc yếu tố tuổi tác. Phát hiện sớm giúp điều trị hiệu quả hơn.
Tiên lượng và giải pháp điều trị ung thư tuyến giáp
Trong bài viết này, bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn sẽ cùng tìm hiểu về các dấu hiệu, nguyên nhân, phương pháp điều trị và tiên lượng của ung thư tuyến giáp, đồng thời trả lời câu hỏi liệu bệnh có thực sự nguy hiểm không.
Ung thư tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm ở cổ, có nhiệm vụ sản xuất các hormone quan trọng giúp điều chỉnh quá trình trao đổi chất, nhiệt độ cơ thể và chức năng tim mạch. Ung thư tuyến giáp xảy ra khi các tế bào trong tuyến giáp phát triển bất thường và hình thành khối u. Căn bệnh này được phân loại thành bốn loại phổ biến:
Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú: Loại phổ biến nhất và có khả năng chữa khỏi cao nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên, ở giai đoạn muộn, bệnh có thể di căn đến các hạch bạch huyết, mặc dù ít khi lan rộng đến các cơ quan khác.
Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nang: Có thể di căn đến phổi hoặc xương. Tỷ lệ sống sót trong giai đoạn sớm rất cao.
Ung thư tuyến giáp thể tủy: Loại hiếm gặp, nhưng có khả năng di căn nhanh chóng đến các hạch bạch huyết và các cơ quan khác.
Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa: Đây là dạng ung thư rất nguy hiểm, phát triển nhanh và khó điều trị.
Ung thư tuyến giáp có nguy hiểm không?
Mức độ nguy hiểm của ung thư tuyến giáp phụ thuộc vào loại ung thư và giai đoạn bệnh:
Tỷ lệ sống sót: Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang rất cao nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, tỷ lệ sống thêm 5 năm đối với ung thư tuyến giáp thể tủy chỉ khoảng 50%, còn thể không biệt hóa có thời gian sống thêm từ 6-8 tháng (theo thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam).
Nguy cơ di căn: Các loại ung thư tuyến giáp, đặc biệt là thể tủy và thể không biệt hóa, có thể di căn nhanh chóng đến các hạch bạch huyết và các cơ quan xa như phổi, xương hoặc gan. Nếu không phát hiện sớm, việc điều trị có thể gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Biến chứng sau phẫu thuật: Bệnh nhân có thể phải phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp hoặc một phần tuyến giáp. Phẫu thuật có thể gây ra các biến chứng như tổn thương dây thần kinh thanh quản (gây khàn giọng hoặc mất giọng) hoặc các vấn đề về chuyển hóa do thiếu hormone tuyến giáp. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể được điều trị bằng hormone thay thế. Một biến chứng khác thường gặp là hạ canxi máu hoặc suy cận giáp do cắt phải tuyến cận giáp nằm phía sau tuyến giáp, khiến bệnh nhân cần uống canxi và vitamin D kéo dài.
Dấu hiệu của ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp có thể phát triển âm thầm trong giai đoạn đầu, nhưng khi bệnh tiến triển, một số dấu hiệu phổ biến có thể xuất hiện:
Khối u ở cổ: Một trong những dấu hiệu đầu tiên là sự xuất hiện của khối u ở vùng cổ gần tuyến giáp, có thể di động khi nuốt hoặc ho và đôi khi gây khó nuốt hoặc khó thở.
Khàn giọng hoặc thay đổi giọng: Nếu khối u ảnh hưởng đến dây thần kinh thanh quản, bệnh nhân có thể bị khàn giọng hoặc mất giọng.
Đau cổ hoặc họng: Đau có thể xuất hiện ở vùng cổ hoặc họng, có thể lan xuống vai hoặc lưng.
Phát hiện hạch bạch huyết ở cổ: Hạch bạch huyết có thể sưng lên, là dấu hiệu của sự di căn từ ung thư tuyến giáp.
Mệt mỏi và sút cân: Một số bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc giảm cân mà không thay đổi chế độ ăn uống hoặc hoạt động thể chất.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ ung thư tuyến giáp
Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp gồm:
Yếu tố di truyền: Những người có người thân trong gia đình mắc ung thư tuyến giáp có nguy cơ cao hơn.
Tác động của phóng xạ: Tiếp xúc với phóng xạ, đặc biệt trong thời thơ ấu, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Giới tính và độ tuổi: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn nữ giới. Bệnh thường xuất hiện ở độ tuổi từ 30 đến 50.
Rối loạn di truyền: Các rối loạn di truyền như hội chứng đa u tuyến nội tiết typ 2 (MEN2) có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp.
Phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp tùy thuộc vào tình trạng bệnh của từng bệnh nhân, bao gồm:
Phẫu thuật: Thường là lựa chọn đầu tiên, bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp. Nếu ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết, phẫu thuật có thể bao gồm cắt bỏ các hạch bạch huyết.
Liệu pháp iod phóng xạ: Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể được điều trị bằng iod phóng xạ để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại hoặc ngăn ngừa tái phát.
Thuốc điều trị hormone thay thế: Bệnh nhân cần sử dụng thuốc thay thế hormone tuyến giáp nếu cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp. Nếu chỉ cắt một phần tuyến giáp, bệnh nhân có thể không cần điều trị hormone nếu không bị suy giáp.
Xạ trị và hóa trị: Trong một số trường hợp, nếu ung thư đã di căn hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, bệnh nhân có thể cần điều trị bằng xạ trị hoặc hóa trị.
Bác sĩ giảng viên Cao đẳng Y đa khoa cho biết, ung thư tuyến giáp có nguy hiểm hay không phụ thuộc vào việc phát hiện và điều trị kịp thời. Việc phát hiện sớm giúp nâng cao khả năng chữa khỏi bệnh, do đó, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ và theo dõi tuyến giáp là rất quan trọng để phát hiện ung thư ở giai đoạn đầu, từ đó tăng cơ hội điều trị thành công và giảm nguy cơ di căn.
Sốt siêu vi là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp phổ biến, nhất là khi thời tiết lạnh ẩm. Hầu hết tự khỏi, nhưng có trường hợp nặng cần nhập viện. Nhận biết sớm triệu chứng giúp điều trị và phòng ngừa hiệu quả.
Động mạch vành xuất phát từ gốc động mạch chủ, có vai trò cung cấp máu cho tim. Khi bị xơ vữa, lòng mạch hẹp dần do mảng bám, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Chảy máu cam (chảy máu mũi) là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Xử lý đúng cách và xác định nguyên nhân sớm sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cho trẻ hiệu quả hơn.
Truyền dịch tĩnh mạch là phương pháp đưa thuốc hoặc dưỡng chất trực tiếp vào cơ thể, thường dùng trong điều trị. Kỹ thuật này phải do bác sĩ chỉ định và thực hiện đúng quy trình để tránh biến chứng nguy hiểm như phù phổi, suy tim hay sốc phản vệ.