Dấu hiệu nhận biết và điều trị bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày
Thứ ba, 12/11/2024 | 08:00
Viêm xung huyết hang vị dạ dày là một bệnh lý gây khó chịu và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh. Vậy bệnh này là gì, nó ảnh hưởng ra sao và cách điều trị như thế nào?
Bài viết này bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng viêm xung huyết hang vị dạ dày.
Viêm xung huyết hang vị dạ dày là gì?
Hang vị là phần dạ dày nằm gần cuối, có chức năng quan trọng trong việc hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Nó giúp nghiền nhỏ thức ăn, tạo điều kiện cho dạ dày dễ dàng hấp thu các chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, vị trí này cũng dễ bị viêm nhiễm do tác động từ các chất gây hại trong thức ăn.
Khi niêm mạc của hang vị bị viêm, sưng tấy và có hiện tượng ứ huyết, sẽ dẫn đến tình trạng viêm xung huyết. Những ổ viêm thường có màu đỏ hoặc vàng. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng viêm sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa.
Triệu chứng viêm xung huyết hang vị
Viêm xung huyết hang vị có thể có hoặc không có triệu chứng rõ ràng. Tùy vào mức độ viêm mà các dấu hiệu sẽ biểu hiện khác nhau. Những triệu chứng thường gặp bao gồm:
Đau vùng thượng vị: Hầu hết bệnh nhân đều cảm thấy đau ở vùng trên dạ dày, cơn đau có thể lan ra vùng ngực, vai hoặc lưng, đặc biệt khi ăn no hoặc khi nằm. Cơn đau thường âm ỉ hoặc xuất hiện từng cơn.
Ợ chua, trào ngược dạ dày: Thức ăn khó tiêu hoá sẽ dẫn đến tình trạng ợ chua, trào ngược dạ dày, gây cảm giác khó chịu.
Buồn nôn hoặc nôn: Viêm khiến chức năng nghiền thức ăn của hang vị bị rối loạn, dẫn đến tình trạng thức ăn ứ đọng trong dạ dày, gây buồn nôn hoặc nôn.
Mệt mỏi, sụt cân: Việc tiêu hóa kém sẽ làm cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, sụt cân, da dẻ xanh xao.
Nguyên nhân gây viêm xung huyết hang vị
Một số nguyên nhân chính gây viêm xung huyết hang vị bao gồm:
Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP): Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm hang vị. Vi khuẩn HP có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây viêm loét và lan đến vùng hang vị.
Chế độ ăn uống không lành mạnh: Thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, khó tiêu... đều là nguyên nhân dẫn đến viêm dạ dày, bao gồm cả hang vị.
Căng thẳng, lo âu kéo dài: Tâm lý căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây rối loạn chức năng dạ dày và làm tăng nguy cơ viêm hang vị.
Mất ngủ: Thiếu ngủ có thể dẫn đến việc tăng tiết axit dạ dày, gây bào mòn niêm mạc và dẫn đến viêm xung huyết.
Các bệnh tự miễn: Người mắc các bệnh tự miễn có hệ miễn dịch yếu, dễ bị viêm nhiễm, trong đó có viêm xung huyết hang vị.
Sử dụng nhiều rượu bia: Uống rượu bia thường xuyên là một yếu tố nguy cơ lớn đối với các bệnh dạ dày, bao gồm viêm xung huyết hang vị.
Nếu không được điều trị kịp thời, viêm xung huyết hang vị có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng:
Xuất huyết dạ dày: Viêm nặng có thể gây vỡ mạch máu, dẫn đến xuất huyết dạ dày. Tình trạng này có thể nguy hiểm đến tính mạng, với triệu chứng nôn ra máu hoặc phân đen.
Biến chứng mạn tính: Nếu viêm hang vị do vi khuẩn HP không được điều trị, có thể dẫn đến viêm mạn tính, làm tăng nguy cơ teo niêm mạc dạ dày và ung thư dạ dày.
Cách chẩn đoán viêm xung huyết hang vị
Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ kết hợp thăm khám lâm sàng với một số xét nghiệm chuyên sâu:
Nội soi dạ dày: Giúp xác định vị trí và mức độ viêm của hang vị.
Xét nghiệm máu: Để kiểm tra sự hiện diện của kháng thể chống vi khuẩn HP.
Test hơi thở: Dùng để xác định người bệnh có bị nhiễm vi khuẩn HP hay không.
Dùng thuốc: Nếu nguyên nhân viêm là do vi khuẩn HP, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ diệt HP phù hợp. Đồng thời, để giảm tác động của axit lên niêm mạc dạ dày, người bệnh có thể cần sử dụng một số loại thuốc như: thuốc ức chế bơm proton (PPI), thuốc ức chế thụ thể H2, v.v. Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý mua và sử dụng thuốc mà cần có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt: Song song với việc sử dụng thuốc, việc thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt là rất quan trọng:
Ăn uống lành mạnh: Ưu tiên các thực phẩm dễ tiêu như rau xanh, trái cây tươi, thực phẩm ít dầu mỡ.
Tránh thực phẩm có hại: Hạn chế thức ăn chế biến sẵn, thực phẩm cay nóng, chiên rán, đồ ăn nhanh.
Đảm bảo giấc ngủ: Ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ, tránh ăn quá no hoặc quá đói.
Tránh các chất kích thích: Không uống rượu bia, cà phê, đồ uống có gas.
Giảm căng thẳng: Cố gắng giữ tâm lý thoải mái, tránh stress và tập thể dục thường xuyên để cải thiện sức khỏe tinh thần.
Hy vọng bài viết từ bác sĩ giảng viên Cao đẳng Y đa khoa đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày, triệu chứng, nguyên nhân cũng như phương pháp điều trị hiệu quả. Đừng quên tuân thủ chỉ định của bác sĩ và thay đổi lối sống để bảo vệ sức khỏe dạ dày của mình.
Mệt mỏi và đau nhức khắp người là hiện tượng thường gặp, có thể do làm việc quá sức, căng thẳng kéo dài hoặc là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, ảnh hưởng đến giấc ngủ và có thể gây ra biến chứng như bệnh tim mạch, đột quỵ, suy giảm trí nhớ và rối loạn tâm lý. Nếu không điều trị kịp thời, nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Đột quỵ, hay tai biến mạch máu não, xảy ra khi dòng máu đến một phần não bị ngừng hoặc giảm, khiến tế bào não thiếu oxy và dưỡng chất, dẫn đến tổn thương, liệt, mất trí nhớ hoặc tử vong.
Đau lưng và đau bụng dưới là triệu chứng thường gặp ở phụ nữ và có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Mức độ nghiêm trọng của vấn đề này phụ thuộc vào tần suất, cường độ và thời gian kéo dài của cơn đau.