Hiện nay, dù chỉ mới có ½ thời gian mở cổng đăng ký, đã có hơn 50.000 thí sinh hoàn tất các thủ tục đăng ký dự thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM đợt 1.
Hiện nay, dù chỉ mới có ½ thời gian mở cổng đăng ký, đã có hơn 50.000 thí sinh hoàn tất các thủ tục đăng ký dự thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM đợt 1.
Chia sẻ với Ban Tư vấn tuyển sinh Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn, TS Nguyễn Quốc Chính - giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TP.HCM - cho biết đã ghi nhận hơn 50.000 nguyện vọng đăng ký thi đánh giá năng lực đợt 1 của Đại học Quốc gia TP.HCM.
Về kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 năm 2023, cổng đăng ký sẽ được mở từ ngày 5-4 đến 28-4, đồng thời tất cả thí sinh sẽ bắt đầu đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Theo ông Chính, năm 2023, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM đợt 1 có số lượng thí sinh đăng ký thi tăng cao so với cùng kỳ năm 2022, sau hai tuần mở cổng, chỉ có khoảng 10.000 em đăng ký.
Bên cạnh đó, việc thanh toán lệ phí cũng được Đại học Quốc gia TP.HCM cải tiến thuận lợi cho thí sinh hơn khi liên kết thông qua các ví điện tử. Tuy nhiên, vẫn còn một số trục trặc xảy ra, chủ yếu do thí sinh đọc không kỹ các bước thực hiện đăng ký, như sử dụng nhiều email, không kiểm tra email, nhiều em dùng chung máy…
Được biết, năm 2023, công tác xét tuyển vẫn được Đại học Quốc gia TP.HCM giữ ổn định như năm 2022 để thuận lợi cho thí sinh nhất. Các mốc thời gian xét tuyển chính thức sẽ phụ thuộc vào kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT.
Trước đó, Đại học Quốc gia TP.HCM thông tin, năm 2023, trường vẫn sẽ tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực.
Đợt 1 được tổ chức tại 21 tỉnh/thành phố, gồm 17 địa phương như cùng kỳ năm ngoái: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và mở rộng thêm 4 địa phương: Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long.
Đề thi gồm có 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút.
Đề có ba phần, chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh, gồm 40 câu về sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh; 30 câu về Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; 50 câu giải quyết vấn đề liên quan về lĩnh vực hóa, lý, sinh, địa, lịch sử, chính trị và xã hội.
Thí sinh không cần đổ xô đến các “lò luyện thi”
Tâm lý của một thí sinh là khi bước vào kỳ thi, việc đầu tiên sẽ nghĩ là mình cần luyện thi ở đâu, sẽ ôn tập như thế nào để đạt kết quả cao. Bài thi đánh giá năng lực không giới hạn trong tư liệu, dữ liệu, trong sách giáo khoa mà hoàn toàn kiểm tra năng lực và kiến thức của thí sinh.
Bạn Nguyễn Vân Anh, sinh viên năm hai ngành Cao đẳng Điều dưỡng Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn chia sẻ: “Cách đây 2 năm, em cũng tìm hiểu và đăng ký cho mình 2 chỗ ôn luyện để thi đánh giá năng lực. Học phí mỗi khóa học giao động từ 800.000 đến 1.000.000 cho 4 buổi học. Vì sợ sẽ không đạt điểm cao, làm lỡ đi một cơ hội xét tuyển nên em đã đăng ký cho mình 2 lớp luyện giải đề thi đánh giá năng lực”.
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Anh Hải, cán bộ tuyển sinh Cao đẳng Vật lý trị liệu Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết, hiện nay, các trường đã đưa ra thông báo cấu trúc bài thi đánh giá năng lực cũng như giới hạn lĩnh vực ôn thi. Hầu hết, bài thi đều sẽ dựa trên kiến thức trong sách giáo khoa. Thí sinh cần có một kế hoạch học tập nghiêm túc, nghiêm chỉnh và nắm chắc kiến thức cơ bản trong chương trình trung học phổ thông là hoàn toàn đạt kết quả cao.