Nguyên nhân và cách xử lý khi bà bầu đau bụng quặn từng cơn
Thứ ba, 25/02/2025 | 08:22
Đau bụng quặn từng cơn ở bà bầu khá phổ biến, nhưng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, vừa gây lo lắng vừa ảnh hưởng đến sinh hoạt. Đôi khi, đó là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Bài viết này, các bác sĩ và giảng viên tại Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn sẽ cung cấp thông tin cần thiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách xử lý hiệu quả tình trạng đau bụng quặn từng cơn ở bà bầu.
Nguyên nhân bà bầu đau bụng quặn từng cơn
Đau bụng là triệu chứng nhiều bà bầu gặp phải, đặc biệt trong giai đoạn đầu và cuối thai kỳ. Các cơn đau quặn bụng có thể do nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý. Vì vậy, nếu bà bầu bị đau bụng quặn từng cơn, không nên chủ quan. Một số nguyên nhân và dấu hiệu đi kèm có thể là:
Thai ngoài tử cung: Đau bụng quặn kèm theo ra máu âm đạo, đau bụng âm ỉ hoặc quặn từng cơn. Cơn đau không tự giảm mà có xu hướng ngày càng nặng hơn.
Dọa sảy thai hoặc sảy thai: Đau bụng quặn ở vùng bụng dưới, lưng hoặc vùng chậu có thể là dấu hiệu của dọa sảy thai hoặc sảy thai, thường đi kèm với chảy máu âm đạo. Đây thường là vấn đề xảy ra trong ba tháng đầu thai kỳ.
Rau bong non: Khi rau thai tách khỏi tử cung trước khi em bé ra đời, có thể gây đau bụng quặn từng cơn, đau dữ dội kèm theo đau lưng và chảy máu âm đạo. Tình trạng này thường xảy ra ở quý 2 hoặc quý 3 thai kỳ.
Chuyển dạ: Đau bụng đều đặn, kéo dài từ 30 giây đến 1 phút và càng dày và mạnh dần vào cuối thai kỳ có thể là dấu hiệu chuyển dạ. Đau bắt đầu từ lưng và lan ra bụng, với cơn đau ngày càng tăng và kèm theo co cứng bụng.
Trào ngược dạ dày: Áp lực tử cung gia tăng khiến dịch dạ dày trào ngược lên thực quản, gây đau quặn bụng, kèm theo cảm giác ợ chua, nóng rát, đau tức ngực và nôn ói.
Vấn đề ở túi mật: Cơn đau bụng quặn ở vùng bụng trên bên phải hoặc dưới xương sườn có thể là dấu hiệu của sỏi mật, viêm túi mật hay tắc nghẽn ống mật, kèm theo triệu chứng buồn nôn, sốt, vàng da, phân lỏng.
Viêm tụy: Đau bụng quặn có thể là triệu chứng viêm tụy, với cơn đau từ từ hoặc đột ngột xuất hiện ở bụng trên và lan ra lưng, kèm theo sốt, chướng bụng, buồn nôn, nôn mửa, và rối loạn nhịp tim.
Ngoài những nguyên nhân trên, tình trạng đau bụng quặn còn có thể do căng thẳng, táo bón, đau dây chằng tròn…
Cách xử lý tình trạng bà bầu đau bụng quặn từng cơn
Khi bà bầu gặp phải tình trạng đau bụng quặn từng cơn, việc tìm hiểu và áp dụng các biện pháp xử lý đúng cách là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Dưới đây là những phương pháp có thể giúp giảm thiểu cơn đau và cải thiện tình trạng khó chịu một cách hiệu quả.
Trường hợp mà bà bầu cần đi khám bác sĩ:
Nếu đau bụng kèm theo các dấu hiệu bất thường như sốt, chảy máu âm đạo, mệt mỏi, hoặc đau khi tiểu tiện, tiểu khó, chóng mặt, ngất xỉu.
Nếu có trên 4 cơn co thắt trong một giờ, đặc biệt nếu xảy ra trước 37 tuần mang thai, có thể là dấu hiệu sinh non.
Nếu cơn đau bụng dữ dội với tần suất ngày càng tăng, mẹ bầu nên nhanh chóng đến bác sĩ để kiểm tra.
Ngoài việc đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân, bà bầu có thể thực hiện một số biện pháp tại nhà để giảm đau:
Dinh dưỡng hợp lý: Chế độ ăn uống cân đối, chia nhỏ bữa ăn, tránh ăn quá no, ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất để hỗ trợ tiêu hóa, giảm khó chịu.
Uống đủ nước: Uống nước trái cây tươi, hạn chế đồ uống có cồn, caffeine và nước ngọt có ga.
Vận động nhẹ nhàng: Các bài tập nhẹ giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm căng thẳng, đồng thời hỗ trợ tiêu hóa.
Nghỉ ngơi đầy đủ: Đọc sách, thiền, massage thư giãn giúp giảm căng thẳng, từ đó làm dịu các cơn đau.
Bác sĩ giảng viên Cao đẳng Y đa khoa cho biết, việc nhận diện và xử lý kịp thời tình trạng đau bụng quặn từng cơn không chỉ giúp bà bầu cảm thấy thoải mái hơn mà còn bảo vệ sức khỏe của mẹ và thai nhi, tránh những rủi ro không đáng có. Vì vậy, ngoài việc áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà, bà bầu cũng cần theo dõi sức khỏe thường xuyên, chủ động thăm khám bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường, từ đó đảm bảo thai kỳ diễn ra an toàn và khỏe mạnh.
Viêm mũi dị ứng là bệnh hô hấp phổ biến, ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc. Nhận biết đúng nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa sẽ giúp kiểm soát bệnh hiệu quả và bảo vệ sức khỏe lâu dài.
Nhồi máu cơ tim cấp là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm có thể gây tử vong đột ngột nếu không được can thiệp kịp thời. Trong số các biện pháp điều trị, phẫu thuật đóng vai trò then chốt nhằm phục hồi lưu lượng máu đến cơ tim.
Virus HPV (Human Papillomavirus) là tác nhân phổ biến gây nhiều bệnh nguy hiểm, đặc biệt là ung thư cổ tử cung. Hiểu rõ con đường lây nhiễm và cách phòng ngừa là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.
Tụt huyết áp ngày càng phổ biến ở người trẻ do lối sống thiếu khoa học và áp lực cuộc sống. Nhận biết sớm dấu hiệu và xử trí đúng cách là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe và duy trì hiệu suất học tập – làm việc.