Nguyên tắc sơ cứu cơ bản vết thương chảy máu không ngừng
Thứ bảy, 07/12/2024 | 15:27
Vết thương chảy máu không ngừng, nếu không được xử lý kịp thời, có thể đe dọa tính mạng nạn nhân. Bởi vậy, việc nhận diện sớm và can thiệp nhanh chóng là cực kỳ quan trọng để ngừng chảy máu và cứu sống bệnh nhân.
Bài viết dưới đây bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn sẽ giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân và các biện pháp sơ cứu cơ bản khi gặp phải tình trạng này.
Hiểu về quá trình đông máu
Đông máu là phản ứng tự nhiên trong cơ thể giúp ngừng chảy máu. Quá trình này có sự tham gia của tiểu cầu và các yếu tố đông máu, giúp ngừng chảy máu, duy trì huyết áp và hệ tuần hoàn. Đông máu diễn ra qua ba giai đoạn:
Giai đoạn 1 - Cầm máu ban đầu: Khi cơ thể bị chấn thương, mạch máu tại khu vực bị tổn thương co lại, làm giảm lưu lượng máu. Tiểu cầu dính vào lớp collagen, tạo thành nút chặn tiểu cầu.
Giai đoạn 2 - Tạo cục máu đông: Co mạch và nút chặn tiểu cầu không đủ để ngừng chảy máu, nên các yếu tố đông máu tiếp tục hoạt động để hình thành cục máu đông. Quá trình này có thể diễn ra theo ba con đường: nội sinh, ngoại sinh và chung, với sự tham gia của tiểu cầu và các yếu tố đông máu.
Giai đoạn 3 - Tan cục máu đông: Cục máu đông đóng kín vết thương và tạo sẹo, giúp mạch máu hồi phục, quá trình tuần hoàn máu tiếp tục bình thường.
Chảy máu ồ ạt là gì?
Chảy máu ồ ạt là tình trạng chảy máu kéo dài và khó cầm, gây nguy hiểm vì có thể dẫn đến mất máu nghiêm trọng. Nguyên nhân thường gặp của tình trạng này là rối loạn tiểu cầu, rối loạn đông máu, và các khiếm khuyết trong mạch máu. Một số bệnh lý thường gặp có thể gây chảy máu ồ ạt bao gồm:
Rối loạn đông máu: Các bệnh lý ảnh hưởng đến quá trình đông máu như hemophilia (chứng khó đông máu) hoặc bệnh lý về gan, ví dụ như xơ gan, có thể làm giảm khả năng đông máu.
Tình trạng giảm tiểu cầu: Xuất hiện ở những người bị suy tủy xương, nhiễm trùng mạn tính, phụ nữ mang thai bị tiền sản giật, hoặc trong trường hợp bệnh sốt xuất huyết.
Vấn đề tại thành mạch: Những tổn thương do thành mạch suy yếu hoặc xơ vữa sẽ làm giảm khả năng co mạch, gây khó khăn trong việc cầm máu, đặc biệt ở người già hoặc người bị suy dinh dưỡng.
Nếu không được xử lý kịp thời, người bị chảy máu không ngừng có thể gặp phải các biến chứng nghiêm trọng như suy tuần hoàn, tụt huyết áp, tổn thương não vĩnh viễn, suy thận, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
Cách sơ cấp cứu cho nạn nhân khi vết thương chảy máu không ngừng
Trường hợp chảy máu ngoài: Khi nạn nhân bị vết thương chảy máu nhiều, cần gọi ngay cấp cứu. Trong trường hợp cấp bách, có thể thực hiện sơ cứu theo các bước sau:
Ép trực tiếp lên vết thương: Ngay khi phát hiện vết thương, ép trực tiếp lên vết thương đang chảy máu. Nếu có thể, dùng một miếng gạc hoặc vải sạch trước khi ép. Nếu vết thương chảy máu nhiều, có thể sử dụng tay để ép lại.
Nâng cao vùng bị tổn thương: Đặt nạn nhân ở tư thế thoải mái, nâng cao vùng bị tổn thương để giảm áp lực máu đến khu vực này. Dùng băng cuộn hoặc dây vải để ép chặt miếng gạc vào vết thương, nhưng không băng quá chặt như khi dùng ga rô.
Với vết thương đâm xuyên có dị vật: Không rút dị vật ra khỏi vết thương. Thay vào đó, tạo vùng đệm quanh dị vật và ép mép vết thương sát với dị vật. Dùng băng để cố định vết thương mà không tạo áp lực lên dị vật.
Giữ yên tĩnh cho nạn nhân: Đảm bảo nạn nhân nằm nghỉ, giữ yên tĩnh và động viên nếu nạn nhân tỉnh táo.
Chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế: Nếu cần thiết, chuyển nạn nhân đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất.
Trường hợp chảy máu trong: Chảy máu trong khó nhận diện hơn chảy máu ngoài, nhưng nếu không được xử lý kịp thời, có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Khi nghi ngờ nạn nhân bị chảy máu trong, cần gọi cấp cứu và thực hiện các bước sơ cứu sau:
Đặt nạn nhân nằm nghỉ: Cho nạn nhân nằm ở tư thế thoải mái, giữ ấm bằng cách đắp chăn.
Gọi cấp cứu: Liên hệ ngay với dịch vụ cấp cứu.
Trong khi chờ cấp cứu: Xử lý các vết thương khác nếu có, nới rộng quần áo vùng cổ và thắt lưng, không cho bệnh nhân ăn uống hoặc hút thuốc.
Dấu hiệu chảy máu trong: Nôn ra máu, ho ra máu, bầm tím ở cổ, ngực, bụng, bụng phình to, da nhợt nhạt lạnh hoặc vã mồ hôi.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị người bị chảy máu liên tục
Kiểm tra tiền sử bệnh lý: Bác sĩ sẽ kiểm tra tiền sử bệnh lý của bệnh nhân và gia đình, đồng thời thăm khám vết thương hoặc vùng xuất huyết để đưa ra chẩn đoán chính xác.
Chỉ định xét nghiệm cần thiết:
Xét nghiệm công thức máu: Để kiểm tra sự biến động của tiểu cầu, bạch cầu và hồng cầu.
Xét nghiệm kiểm tra thời gian đông máu: Giúp xác định liệu cơ thể có đang gặp vấn đề về đông máu hay không.
Xét nghiệm yếu tố đông máu: Để tìm hiểu tình trạng thiếu hụt yếu tố đông máu.
Xét nghiệm chức năng gan: Kiểm tra các chỉ số như ALT, AST, Albumin để phát hiện các bệnh lý liên quan đến gan.
Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp với tình trạng của nạn nhân, bao gồm các biện pháp y tế chuyên sâu để kiểm soát tình trạng chảy máu, ổn định sức khỏe của bệnh nhân và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm, từ đó giúp hồi phục và đảm bảo tính mạng của người bị thương. Bác sĩ giảng viên Cao đẳng Y đa khoa lưu ý điều quan trọng là cần xử lý nhanh chóng, đúng cách ngay từ ban đầu để giảm thiểu nguy cơ tử vong hoặc các tổn thương lâu dài.
Sốt xuất huyết do virus dengue lây qua muỗi vằn, chưa có thuốc đặc hiệu và có thể gây biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, bệnh nhân cần kiêng một số điều để tránh biến chứng và giúp hồi phục nhanh chóng.
Xét nghiệm HPV là một phương pháp y khoa hiện đại, có vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm nguy cơ nhiễm virus HPV, một yếu tố nguy cơ đối với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là ung thư cổ tử cung.
Nếu bạn thường xuyên cảm thấy ợ chua, nóng rát vùng thượng vị sau khi ăn, có thể bạn đang gặp phải tình trạng trào ngược dạ dày thực quản. Vậy trào ngược dạ dày thực quản có thực sự nguy hiểm không?
Suy tuyến giáp là tình trạng thiếu hụt hormone tuyến giáp, gây ảnh hưởng đến nhiều chức năng quan trọng của cơ thể. Vậy suy tuyến giáp có nguy hiểm không, và làm thế nào để chẩn đoán và điều trị căn bệnh này?